Phân phối gián tiếp là phương pháp phổ biến hàng hoá từ nơi sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng thông qua những mắt xích trung gian. Phân phối gián tiếp là một chiến thuật trong chiến lược phân phối. Ngược lại với phương pháp phân phối trực tiếp, phân phối gián tiếp phù hợp với những doanh nghiệp không sở hữu mạng lưới vận chuyển và hậu cần riêng.
Phân phối gián tiếp có nghĩa là gì?
Phân phối gián tiếp là phương pháp phân phối có sự tham gia của các nhà bán buôn và nhà bán lẻ, phương pháp này phù hợp với các ngành sản xuất quy mô lớn như nước giải khát, rượu, bia hoặc các mặt hàng phổ quát. Sử dụng phương pháp phân phối gián tiếp giúp doanh nghiệp dễ dàng phủ rộng hàng hoá của mình một cách nhanh chóng nhằm đạt được yếu tố bất ngờ và lợi thế cạnh tranh sớm hơn so với các đối thủ.
Phân phối gián tiếp không yêu cầu doanh nghiệp đầu tư quá nhiều nguồn vốn vào quá trình xây dựng kho lưu trữ, bộ máy vận hành, khả năng giao nhận.
Khi một nhà sản xuất sử dụng một hoặc nhiều đơn vị trung gian để phổ biến hàng hoá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng, đây được xem là mạng lưới phân phối gián tiếp, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng.
Ưu điểm của phân phối gián tiếp
- Kiểm soát tốt hơn việc cung cấp hàng hoá số lượng lớn
- Xử lý nhanh chóng các đơn hàng lớn
- Giảm chi phí bán hàng
- Tối ưu chi phí sản xuất
- Mở rộng nhận biết sản phẩm nhanh
Sáu hình thức phân phối gián tiếp
- Phân phối gián tiếp qua trung tâm thương mại
- Phân phối gián tiếp qua siêu thị lớn và nhỏ
- Phân phối gián tiếp qua cửa hàng tiện ích
- Phân phối gián tiếp qua cửa hàng tạp hoá
- Phân phối gián tiếp qua chợ truyền thống
- Phân phối gián tiếp qua cửa hàng chuyên doanh
Ba kênh phân phối gián tiếp
Kênh 1 cấp: Nhà sản xuất > người bán lẻ > người tiêu dùng, tại kênh này, nhà sản xuất bán hàng hoá cho người tiêu dùng thông qua các nhà bán lẻ, do đó xuất hiện một đơn vị trung gian là nhà bán lẻ. Hàng hoá sau khi được sản xuất sẽ được giao đến các nhà bán lẻ và các nhà bán lẻ bán chúng cho người tiêu dùng.
Ví dụ: các sản phẩm như tivi, tủ lạnh, xe máy, máy giặt, ô tô và các máy móc, thiết bị công nghiệp thường được bán qua kênh 1 cấp này.
Kênh 2 cấp: Nhà sản xuất > Nhà bán buôn > người bán lẻ > Người tiêu dùng, tại kênh này bao gồm hai nhóm trung gian, thường được gọi là nhà bán buôn và người bán lẻ. Các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như xà bông, mỹ phẩm, chất tẩy rửa… thường được bán qua kênh 2 cấp này. Tại đây nhà bán buôn và người bán lẻ có chức năng kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất. Việc sử dụng kênh 2 cấp cho phép nhà sản xuất bao phủ một khu vực thị trường rộng lớn hơn kênh 1 cấp.
Ví dụ: Unilever bán sản phẩm của mình qua các nhà bán buôn và bán lẻ.
Kênh 3 cấp: Nhà sản xuất > Đại lý > Nhà bán buôn > Người bán lẻ > Người tiêu dùng, trong kênh 3 cấp này, các nhà sản xuất hợp tác, xây dựng và sử dụng các đại lý bán hàng hoặc nhà môi giới độc quyền, những đại lý này kết nối nhà sản xuất với mạng lưới các nhà phân phối và người bán lẻ. Đây là kênh phân phối gián tiếp lớn nhất. Nhà sản xuất thường sẽ bán hoặc giao khoán số lượng sản phẩm lớn cho một hoặc vài đại lý duy nhất, những đại lý này được quyền lựa chọn nhà bán buôn. Kênh 3 cấp thường được dùng để phân phối vải vóc, gạo, thực phẩm, đường, dầu ăn, giấy...
Chiến lược phân phối là một chiến lược quan trọng nằm trong khung chiến lược kinh doanh, việc hiểu và nắm rõ từng phương pháp, chiến thuật phân phối rất quan trọng giúp nhà sản xuất phổ biến hàng hoá hiệu quả và ổn định.
Nguồn: https://vudigital.co/phan-phoi-gian-tiep-la-gi-3-cap-phan-phoi-gian-tiep-ban-can-biet.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét